Quy trình, thủ tục xin cấp lại sổ hồng bị mất chi tiết nhất 2022

vy.nguyen

-

5 Tháng tư, 2022

/

Chia sẻ:

Sổ hồng là giấy tờ quan trọng, có giá trị pháp lý trong việc xác nhận quyền sử dụng/sở hữu đối với đất đai, nhà ở, căn hộ chung cư và các tài sản khác gắn liền với đất. Vì sổ hồng không phải tài sản, nên người dân hoàn toàn có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại sổ mới trong trường hợp bị mất. Vậy quy trình, thủ tục xin cấp lại sổ hồng như thế nào? Hồ sơ cần chuẩn bị những gì? Hãy cùng Hakome House tham khảo ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Sổ hồng là gì? Đâu là điều kiện để được cấp sổ hồng?

Khái niệm sổ hồng

quy trình thủ tục xin cấp lại sổ hồng bị mất

Sổ hồng.

Sổ hồng là cách gọi phổ biến của người dân Việt Nam dành cho một quyển sổ có bìa màu hồng cánh sen, với tên gọi đầy đủ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối với nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất. Sổ hồng được xem là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc căn hộ chung cư và các tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của chủ sở hữu.

Sổ hồng gồm có 4 trang in nền hoa văn trống đồng có màu hồng cánh sen và một trang bổ sung có nền trắng, với nội dung cụ thể như sau:

  • Trang 1 chứa nội dung quan trọng nhất gồm tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
  • Trang 2 là thông tin về thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
  • Trang 3 chứa sơ đồ, bản vẽ mảnh đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
  • Trang 4 ghi lại những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận;
  • Cuối cùng là trang bổ sung.

Điều kiện cấp sổ hồng

quy trình thủ tục xin cấp lại sổ hồng bị mất 1

Điều kiện để được cấp sổ hồng là gì?

Tùy từng loại tài sản sở hữu (đất đai, nhà ở, căn hộ chung cư…) mà sẽ có những quy định về điều kiện cấp sổ hồng khác nhau. Đối với căn hộ chung cư, pháp luật có quy định rõ:

Những cá nhân có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, với điều kiện nhà ở được cấp Giấy chứng nhận phải là nhà ở có sẵn (theo Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014)

“Đối với nhà ở được đầu tư xây dựng theo dự án với mục đích cho thuê mua hoặc để bán thì cơ quan có thẩm quyền không cấp Giấy chứng nhận cho chủ đầu tư mà thay vào đó sẽ cấp Giấy chứng nhận cho người thuê mua, người mua nhà ở, trừ trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở chưa cho thuê mua, chưa bán. Trường hợp chủ đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê thì chủ đầu tư sẽ được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.” (quy định tại Điều 9 Luật Nhà ở năm 2014)

Từ những căn cứ nêu trên có thể kết luận rằng, khách mua căn hộ chung cư sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ hồng nếu thỏa mãn 3 điều kiện: (1) dự án căn hộ chung cư được xây dựng đúng quy định, (2) việc giao dịch giữa chủ đầu tư và khách hàng được tiến hành đúng theo quy định của pháp luật và (3) khách hàng đã thanh toán đầy đủ số tiền mua căn hộ.

Ngoài ra, Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã quy định: “Trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, công trình xây dựng cho người mua hoặc kể từ ngày hết hạn thuê mua thì phải làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua, trừ trường hợp bên mua, bên thuê mua có văn bản đề nghị tự làm thủ tục cấp giấy chứng nhận”. Do đó, nếu gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, khách hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư giải thích rõ hơn và hỗ trợ thực hiện.

Quy trình, thủ tục xin cấp lại sổ hồng bị mất, bị thất lạc

quy trình thủ tục xin cấp lại sổ hồng bị mất 2

Quy trình, thủ tục xin cấp lại sổ hồng bị mất như thế nào?

Trong quá trình lưu trữ, bảo quản tại nhà, việc làm mất, thất lạc sổ hồng hoàn toàn có khả năng xảy ra, với nguyên nhân có thể xuất phát do chủ quan (bất cẩn làm thất lạc) hoặc khách quan (bị trộm cướp, bị hủy hoại bởi thiên tai, hỏa hoạn…). Khi bị mất hoặc thất lạc sổ hồng, chủ sở hữu đất đai, nhà ở, căn hộ chung cư cần phải giữ bình tĩnh và thực hiện các bước sau:

Khai báo UBND cấp xã/phường/thị trấn nơi có đất, nhà ở, căn hộ chung cư

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân có sổ hồng (Giấy chứng nhận) bị mất phải khai báo với Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp xã/phường/thị trấn nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, trừ trường hợp mất do thiên tai, hỏa hoạn.

Sau khi tiếp nhận khai báo, UBND cấp xã/phường/thị trấn có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở UBND cấp xã/phường/thị trấn.

Sau 30 ngày kể từ ngày niêm yết thông báo, nếu vẫn không tìm được sổ hồng thì hộ gia đình, cá nhân phải tiến hành nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị được cấp lại.

Chuẩn bị hồ sơ xin cấp lại sổ hồng bị mất

Theo Khoản 2 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, cá nhân, hộ gia đình khi xin được cấp lại sổ hồng cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:

  • Đơn đề nghị cấp lại sổ hồng theo Mẫu;
  • Giấy xác nhận của Ủy ban Nhân dân cấp xã/phường/thị trấn về việc đã niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận;
  • Giấy tờ chứng minh đã đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về việc mất Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư;
  • Trong trường hợp sổ hồng (Giấy chứng nhận) bị mất do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của Ủy ban Nhân dân cấp xã/phường/thị trấn về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.

Lưu ý: Cá nhân, hộ gia đình khi nộp hồ sơ được lựa chọn một trong các hình thức sau:

  • Nộp bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực;
  • Nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao;
  • Nộp bản chính giấy tờ.

Nộp hồ sơ và chờ đợi kết quả

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xin cấp lại sổ hồng bị mất, cá nhân, hộ dân cần nộp tại một trong các cơ quan dưới đây:

  • Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai;
  • Đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì nộp hồ sơ tại: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp quận/huyện tiếp nhận hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
  • Ủy ban Nhân dân cấp xã/phường/thị trấn (chỉ áp dụng với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu).

(Theo Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP)

Thời gian giải quyết và cấp lại sổ hồng là không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 20 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Thời gian trên không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ; thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã.